banner
Thứ 5, ngày 25/4/2024
XUNG QUANH VẤN ĐỀ XÂY DỰNG VÀ BAN HÀNH LUẬT ĐẢM BẢO TRẬT TỰ, AN TOÀN GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ
14-10-2020
Trên cơ sở Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật và Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020, Bộ công an được Chính phủ giao chủ trì soạn thảo dự án Luật đảm bảo an toàn giao thông đường bộ, trên cơ sở tách từ Luật giao thông đường bộ hiện hành (cũng đang được Bộ giao thông vận tải chủ trì soạn thảo sửa đổi bổ sung) và một số vấn đề của thực tiễn đòi hỏi trong quá trình đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường bộ, trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 10. Dự thảo đã được xây dựng công phu và đã lấy ý kiến các bộ ngành, các cơ quan chức năng, và các địa phương, gồm 8 chương 72 điều, nội dung của dự thảo luật cụ thể hóa và thể hiện 6 chính sách đó là: Quy tắc giao thông đường bộ; Phương tiện và người điều khiển phương tiện tham gia dao thông đường bộ; Tổ chức an toàn giao thông, chỉ huy, điều khiển giao thông và giải quyết ùn tắc giao thông; Giải quyết tai nạn giao thông đường bộ; Thực thi pháp luật trong phát hiện, xử lý vi phạm; Quản lý nhà nước về trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
XUNG QUANH VẤN ĐỀ XÂY DỰNG VÀ BAN HÀNH LUẬT ĐẢM BẢO TRẬT TỰ, AN TOÀN GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ

Dự thảo luật đang được sự quan tâm của dư luận, trong đó có vấn đề có cần thiết phải tách Luật giao thông đường bộ thành hai luật không, để nhìn nhận vấn đề này cần xem xét trên các phương diện chính trị, pháp lý và thực tiễn của nó: Chúng ta biết rằng Chỉ thị số 18/2012 của Ban bí thư trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của đảng đối với công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục về ùn tắc giao thông, có đặt vấn đề: “Tiến hành rà soát, sửa đổi bổ sung để hoàn thiện hệ thống pháp luật về trật tự, an toàn giao thông phù hợp với tình hình mới”. Kết luận số 45/2019 của Ban bí thư trung ương Đảng về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 18/2012 có xác định: “Công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông là một nội dung của công tác đảm bảo an ninh quốc gia”. Trên cơ sở đó Nghị quyết số 07/ 2020 của Chính phủ ban hành Cương trình hành động thực hiện Chỉ thị 51/2020 của Bộ chính trị có đoạn: “Chính phủ giao Bộ công an chủ trì, phối hợp với các bộ ngành, địa phương liên quan xây dựng Luật đảm bảo trật tự, an toàn giao thông đường bộ, ban hành trong năm 2020”. Luật công an nhân dân có quy định: Bộ công an chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý về trật tự, an toàn giao thông.    Thực tiễn đặt ra vấn đề rằng trong lĩnh vực giao thông đường bộ có hai mảng lớn đòi hỏi sự điều chỉnh bằng pháp luật đó là trật tự, an toàn giao thông đường bộ thuộc phạm vi an ninh trật tự, an toàn xã hội và xây dựng phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, thuộc phạm vi kinh tế kỹ thuật, như vậy nó phải thuộc hai cơ quan quản lý nhà nước khác nhau thực hiện chức năng quản lý. Luật giao thông đường bộ hiện hành đang điều chỉnh cả hai mảng này, do vậy không tránh khỏi những bất cập, chưa bao hàm hết các yêu cầu của thực tiễn. Từ những vấn đề trên cho thấy việc tách Luật giao thông đường bộ hiện hành để xây dựng một đạo luật chuyên biệt điều chỉnh lĩnh vực đảm bảo trật tự, an toàn giao thông đường bộ là cần thiết và có cơ sở.

 Nội dung của dự luật ngoài kế thừa những quy định hợp lý trong Luật giao thông đường bộ còn xây dựng một số điểm mới như: Bổ sung nhiều hành vi bị nghiêm cấm; Luật hóa nhiều quy định của công ước Viên năm 1968 về giao thông đường bộ vào điều kiện của nước ta, luật hóa một số quy định trong các văn bản dưới luật; Bổ sung thêm các quy định về điều kiện tham gia giao thông đường bộ, cấp, thu hồi giấy chứng nhận đăng ký xe, biến số xe, sát hạch, cấp, thu hồi giấy phép lái xe; ứng dụng thành tựu công nghệ mới trong quản lý lái xe; Quy định cụ thể hơn về các nội dung trong tổ chức an toàn giao thông như chỉ huy, điều khiển giao thông, vận hành đèn, hệ thống tín hiệu giao thông, phòng ngừa và giải quyết ùn tắc giao thông, giải quyết tai nạn giao thông vv… Trong các nội dung trên vấn đề quy định về đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật giao thông đường bộ (do Bộ giao thông vận tải quản lý), hay thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật đảm bảo trật tự, an toàn giao thông đường bộ (do Bộ công an quản lý) còn có những quan điểm ý kiến khác nhau, dự thảo luật tại chương III đã biểu đạt theo hướng thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật đảm bảo trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Chúng tôi thấy rằng, dù thuộc phạm vi điều chỉnh của luật nào và thuộc chủ thể nào quản lý, thì cũng đều chịu sự quản lý thống nhất của Chính phủ, sự quy định đó chỉ là sự phân công của Chính phủ mà thôi, mặt khác, về mặt lý thuyết, nội dung quản lý trật tự an toàn giao thông đường bộ thuộc lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội, chủ yếu điều chỉnh mối quan hệ giữa cơ quan nhà nước và các cá nhân để đảm bảo an toàn và trật tự trong quá trình tham gia giao thông, bởi vậy nó phải thuộc cơ quan có chức năng quản lý đảm bảo an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội nói chung, và đảm bảo quản lý an ninh trật tự, an toàn trong lĩnh vực an ninh trật tự giao thông nói riêng. Nên việc dự thảo luật thiết kế theo hướng thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật đảm bảo trật tự, an toàn giao thông là phù hợp. Tuy nhiên cần đảm bảo tính ổn định của các cơ sở đào tạo, sát hạch giấy phép lái xe hiện tại và phải đảm bảo yêu cầu xã hội hóa công tác đào tạo, sát hạch giấy phép lái xe theo tinh thần Nghị quyết số 17/2007 của Ban chấp hành trung ương Đảng khóa X, và như thế dự thảo luật nên quy định rõ theo hướng, Bộ công an sẽ quản lý nhà nước quá trình đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe, thu hồi giấy phép lái xe, nhưng không làm tăng bộ máy và biên chế, không lực lượng vũ trang hóa các cơ sở đào tạo, sát hạch giấy phép lái xe hiện tại, các cơ sở này và các cơ sở mới được thành lập vẫn sẽ thuộc lĩnh vực dân sự./.

Tô Văn Tám  
Tin liên quan:
Icon Hoạt động trong tháng 10 và 11/2020 của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh
Icon TÌNH HÌNH BAN HÀNH VĂN BẢN QUY ĐỊNH CHI TIẾT LUẬT THỜI GIAN QUA
Icon Kết quả tiếp xúc cử tri định kỳ trước kỳ họp thứ 10 - Quốc hội khóa XIV
Icon Tham gia Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính
Icon VỀ VẤN ĐỀ PHỐI HỢP THỰC THI NHIỆM VỤ BIÊN PHÒNG TRONG DỰ THẢO LUẬT BIÊN PHÒNG VIỆT NAM
Icon VỀ VẤN ĐỀ HÌNH THỨC VÀ MỨC XỬ PHẠT TRONG DỰ THẢO LUẬT XỬ LÝ VI PHẠM HÀNH CHÍNH
Icon VẤN ĐỀ CẤP GIẤY PHÉP HOẠT ĐỘNG DỊCH VỤ ĐƯA NGƯỜI LAO ĐỘNG ĐI LÀM VIỆC Ở NƯỚC NGOÀI TRONG DỰ THẢO LUẬT NGƯỜI LAO ĐỘNG VIỆT NAM ĐI LÀM VIỆC Ở NƯỚC NGOÀI THEO HỢP ĐỒNG
Icon VẤN ĐỀ VỀ THẨM QUYỀN XỬ PHẠT VÀ THỦ TỤC XỬ PHẠT TRONG DỰ THẢO SỬA ĐỔI BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU LUẬT XỬ LÝ VI PHẠM HÀNH CHÍNH
Icon MỘT SỐ VẤN ĐỀ QUAN TÂM CẦN HOÀN THIỆN TRONG DỰ THẢO LUẬT NGƯỜI VIỆT NAM LÀM VIỆC Ở NƯỚC NGOÀI
Icon Chương trình hoạt động 6 tháng cuối năm 2020 của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum
LienKetWS LIÊN KẾT WEBSITE