banner
Thứ 6, ngày 19/4/2024
TÒA ÁN - CƠ QUAN QUAN TRỌNG TRONG THỰC THI VÀ BẢO VỆ CÔNG LÝ
23-4-2021
Để đảm bảo và duy trì các hoạt động của đời sống xã hội trong vòng trật tự, phải có hai yếu tố cơ bản, đó là pháp luật và công lý. Kế thừa các thành tựu của Quốc hội, Quốc hội khóa XIV đã xây dựng và ban hành một khối lượng lớn các văn bản quy phạm pháp luật, hành lang môi trường pháp lý do Quốc hội tạo lập là cơ sở nền tảng cho công lý. Với tính cách là cơ quan tư pháp do Quốc hội lập ra, tòa án nhân dân là một cơ quan quan trọng trong thực thi và bảo vệ công lý. Công lý là sự nghiêm minh, công bằng, không thiên lệch trên nền tảng cơ sở của pháp luật và lương tâm, trách nhiệm của người thực thi và bảo vệ công lý, nó là vô giá, không thể mặc cả, hay trao đổi mua bán. Chúng ta biết rằng khi đứng trước tòa với tính cách là đương sự, hay bị can bị cáo, con người đang đòi hỏi và tìm đến sự công bằng, nghiêm minh của công lý, và sau mỗi bản án, quyết định của tòa án là sinh mệnh của một con người, sinh mệnh đó có thể là danh dự, nhân phẩm, chính trị, dân sự hoặc sinh mạng sống của chính họ. Điều đáng ghi nhận là trong thời gian qua kể từ ngày 01/10/2015 đến 30/9/2020 tòa án nhân dân đã thụ lý 2.433.631 vụ việc, đã giải quyết được 2.375.983 vụ việc, đạt tỷ lệ 97%, chất lượng xét xử tiếp tục được đảm bảo, trong đó các vụ án hình sự các tòa đã thụ lý 386.165 vụ, với 650.546 bị cáo, đã giải quyết xét xử được 384.209 vụ với 641.616 bị cáo, đạt tỷ lệ 99,5% về số vụ và 98,6% về số bị cáo, vượt chỉ tiêu Quốc hội đề ra. Điều đáng lưu ý là như báo cáo của tòa án là không để xảy ra oan sai, kết án oan người không có tội. Chúng ta còn nhớ, tại kỳ họp thứ 10, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, đã báo cáo trước Quốc hội về kết quả thực hiện các nghị quyết về giám sát chuyên đề, và chất vấn trong nhiệm kỳ khóa 14, cùng một số nghị quyết trong nhiệm kỳ khóa 13, rằng trong xét xử các vụ án hình sự, đảm bảo đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, chưa phát hiện trường hợp kết án oan người không có tội, giữa chưa phát hiện kết án oan và không để xảy ra kết án oan là một sự khác biệt về chất, và như thế khi đề cập đến việc bồi thường, theo Luật trách nhiệm bồi thường của nhà nước, báo cáo tòa án nêu, cac tòa an đã thụ lý 19 yêu cầu bồi thường thuộc trách nhiệm của tòa án, đã giải quyết dứt điểm 15 trường hợp. Chúng ta có thể hiểu ràng đó là vấn đề lịch sử để lại, và cử tri kỳ vọng không lặp lại.
TÒA ÁN - CƠ QUAN QUAN TRỌNG TRONG THỰC THI VÀ BẢO VỆ CÔNG LÝ

 Thực thi và bảo vệ công lý, hoạt động xét xử của tòa án không chỉ thể hiện trong việc bảo vệ các quyền con người, quyền công dân, mà còn góp phần kiểm soát quyền lực nhà nước, thông qua các phán quyết của mình trong các vụ án hành chính. 5 năm qua tòa án đã thụ lý 36.354 vụ đã giải quyết xét xử được 32.466 vụ, đạt tỷ lệ 89,39 % vượt chỉ tiêu Quốc hội đề ra, qua hoạt động này tòa án đã góp phần kiểm soát hoạt động ban hành văn bản quy phạm pháp luật của các cơ quan lập quy, đảm bảo sự tuân thủ các luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, một yếu tố quan trọng của xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Là trung tâm của hoạt động tư pháp, tòa án nhân dân cùng với các cơ quan tư pháp khác đã và đang thể hiện tốt vai trò thực thi và bảo vệ công lý, như Thủ tướng Chính phủ đã nói tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành tòa án năm 2021: Phấn đấu xây dựng tòa án nhân dân xứng đáng trở thành thành trì bảo vệ công lý đáp ứng yêu cầu của Đảng và sự mong đợi của nhân dân. Báo cáo trước Quốc hội, tòa án nhân dân đã thể hiện chất lượng xét xử được đảm bảo và nâng lên, và có nhiều tiến bộ, tuy nhiên tình trang các bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan, hằng năm vẫn chưa được khắc phục, mặc dù vẫn trong giới hạn cho phép là 1,5%, điều đó cũng cho thấy rằng sai trong hoạt động xét xử vẫn đang xảy ra, vậy bản án quyết định bị hủy, sửa do sai sót thuộc về nguyên nhân chủ quan này ở lĩnh vực nào, trong lĩnh vực hình sự thì đã khẳng định không để xảy ra oan sai, trong lĩnh vực dân sự chỉ thể hiện tình trạng bản án tuyên không rõ ràng gây khó khăn cho công tác thi hành án, trong lĩnh vực kinh doanh thương mại, hành chính cũng không thấy đề cập, phải chăng báo cáo đã chưa đánh đầy đủ; mặt khác cũng cần đánh giá, nhìn nhận rõ hơn về hậu quả của những sai sót này, và việc xử lý trách nhiệm của những người có liên quan. Là một cơ quan quan trọng trong thực thi và bảo vệ công lý, hoạt động xét xử không được để xảy ra oan sai, dù đó là lỗi chủ quan hay khách quan, đó là mong đợi và đòi hỏi của cử tri và nhân dân./.

Tô Văn Tám  
Tin liên quan:
Icon Tư tưởng lập hiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Icon Một số vấn đề về tình hình tội phạm hiện nay
Icon VẤN ĐỀ BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI DO GÂY Ô NHIẾM MÔI TRƯỜNG
Icon Vài nét về kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi
Icon VỀ VẤN ĐỀ QUYỀN TỰ DO NGÔN LUẬN
Icon TUYÊN NGÔN ĐỘC LẬP VĂN KIỆN LỊCH SỬ QUAN TRỌNG
Icon VỀ CHỦ TRƯƠNG ĐẦU TƯ CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ XÃ HỘI VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI GIAI ĐOẠN 2021-2030.
Icon NÂNG NIU TẤT CẢ CHỈ QUÊN MÌNH
Icon CÁC HÌNH THỨC DÂN CHỦ - PHƯƠNG TIỆN QUAN TRỌNG THỰC HIỆN QUYỀN LÀM CHỦ CỦA NHÂN DÂN
Icon ĐỊA VỊ PHÁP LÝ VÀ QUYỀN HẠN CỦA CHỦ TỊCH NƯỚC
LienKetWS LIÊN KẾT WEBSITE