banner
Thứ 4, ngày 24/4/2024
Quốc hội thảo luận về Kinh tế xã hội
26-7-2021
Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ nhất, sáng ngày 25/7/2021 Quốc hội đã tiến hành thảo luận ở Hội trường về Đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm, các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng cuối năm 2021 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 (trong đó có nội dung về tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong thời gian tới). Đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum Tô Văn Tám và 26 đại biểu Quốc hội khác đã tham gia phát biểu thảo luận các nội dung này.
Quốc hội thảo luận về Kinh tế xã hội
ĐBQH Tô Văn Tám phát biểu thảo luận tại Hội trường

Theo đại biểu Tô Văn Tám, điểm sáng của kết quả phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm là việc thực hiện mục tiêu kép đạt được nhiều thành tựu tích cực, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, thu ngân sách nhà nước tăng 16,3% so với cuối năm 2020, hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn được tổ chức duy trì phù hợp với điều kiện chống dịch, không đứt gãy nguồn cung ứng, tổ chức tốt việc lưu thông hàng hóa, đảm bảo nhu cầu tiêu dùng của người dân, nhất là người dân các địa phương có dịch đang thực hiện Chỉ thị 15, 16 của Chính phủ. Mặc dù có hiện tượng khan hiếm cục bộ nhưng Chính phủ, Bộ Công Thương đã kịp thời chỉ đạo, phối hợp với các địa phương tổ chức lại hệ thống siêu thị, chợ dân sinh...v.v. nên đã sớm khắc phục hiện tượng này. Phòng, chống dịch được triển khai với sự chủ động, kịp thời và hết sức quyết liệt, sát với diễn biến phức tạp của dịch, với các giải pháp đa dạng, linh hoạt và phù hợp. Trong đó, vaccine được coi là mấu chốt, là cứu cánh, đảm bảo cho sự thành công của phòng, chống dịch. Ngay từ đầu khi phát sinh dịch vào mùa Xuân năm ngoái, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tích cực, chủ động đàm phán việc mua vaccine, đồng thời chỉ đạo việc nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước. Mặc dù hiện tại tỷ lệ người dân được tiêm vaccine của chúng ta còn thấp do diễn biến phức tạp của đại dịch trên thế giới và khả năng sản xuất đáp ứng nhu cầu vaccine của các quốc gia. Cử tri và dư luận vẫn chia sẻ và ghi nhận nỗ lực của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong quá trình thực hiện chiến lược vaccine và tin tưởng rằng mục tiêu 150 triệu liều vắc xin để tiêm cho 70 đến 75% dân số nhằm đạt miễn dịch cộng đồng và sản xuất vaccine trong nước là hiện thực trong thời gian gần. Cử tri cũng rất xúc động và ghi nhận, đánh giá cao tinh thần trách nhiệm, quên mình của các lực lượng tuyến đầu như y tế, quân đội, công an, tình nguyện viên trong thực hiện nhiệm vụ chống dịch.

Dịch COVID vẫn diễn biến hết sức phức tạp, Quốc hội đã và đang đồng hành cùng Chính phủ trong quá trình phòng, chống dịch, đại biểu Tô Văn Tám thống nhất cao với việc Quốc hội cần xem xét, quyết định một số giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo cơ sở pháp lý cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong lĩnh vực chỉ đạo, điều hành công tác phòng, chống dịch, thể hiện trong nghị quyết của Quốc hội với nội dung cốt lõi là "cho phép Chính phủ áp dụng một số biện pháp đặc biệt khác với quy định của luật hoặc chưa có trong luật". Song, cần phải xác định rõ giới hạn, phạm vi và thời gian đủ để Chính phủ thực hiện phòng, chống dịch bệnh có kết quả.

- Chúng ta biết rằng nền kinh tế của một quốc gia phát triển hay trì trệ, thịnh vượng hay nghèo đói không chỉ là vị trí địa lý, văn hóa, tiềm lực, tiềm năng, các nguồn lực mà quan trọng và quyết định là đường lối của Đảng cầm quyền và thể chế với tính cách là công cụ cụ thể hóa đường lối của Đảng cầm quyền. Bởi vậy, xây dựng, cải cách, hoàn thiện thể chế nhằm cụ thể hóa kịp thời đường lối của Đảng có ý nghĩa quyết định cho sự thịnh vượng của nước ta. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã xác định rõ vấn đề và coi đó là một trong những đột phá chiến lược và đã tổ chức thực hiện có hiệu quả. 6 tháng đầu năm đã thực hiện việc kiện toàn tổ chức bộ máy, đã ban hành 60 nghị định, các Bộ đã ban hành nhiều thông tư và trong 5 năm qua Quốc hội đã ban hành 73 luật, 2 pháp lệnh, Chính phủ đã ban hành khoảng 737 nghị định, công tác ban hành văn bản quy phạm pháp luật như thế kể cũng đã công phu. Cùng với việc đơn giản hóa 1.000 thủ tục hành chính gồm 3.900 điều kiện kinh doanh, 6.700 danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành đã tạo khung pháp lý thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, việc xây dựng, cải cách thể chế hành chính vẫn còn bộc lộ những hạn chế như: Số lượng văn bản quy phạm pháp luật được ban hành nhiều nhưng vẫn còn những nội dung chồng chéo, trùng lắp, chưa thật ổn định. Thủ tục hành chính vẫn còn yếu tố gây phiền hà, nhũng nhiễu, diện mạo, quy mô của hệ thống thể chế trong thời kỳ chuyển đổi và hoàn thiện cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa có lúc chưa thật đồng bộ. Quan điểm công tác làm luật phải hướng vào cải cách thể chế và quan điểm Chính phủ cần tập trung vào cải cách thể chế, cho thấy sự coi trọng và thúc đẩy mục tiêu hoàn thiện thể chế và Quốc hội luôn đồng hành cùng Chính phủ trong quá trình này. Đây cũng là yếu tố quyết định cho sự hoàn thành kế hoạch 5 năm 2021-2025.

- Đường Quốc lộ 24 nối cực Bắc Tây Nguyên với ven biển miền Trung, thông thương với Lào và Campuchia, quốc lộ này đi qua tỉnh Kon Tum là 99,2km, đã được đầu tư 74km, còn lại 25,2km chưa được đầu tư. Nếu cộng cả đoạn đi qua tỉnh Quảng Ngãi là 37km nữa thì chiều dài còn lại là 62,2km. Nếu không tiếp tục đầu tư thì tuyến đường này dở dang, không phát huy được hiệu quả và sẽ là nguy cơ lãng phí. Ủy ban nhân dân 2 tỉnh Kon Tum và Quảng Ngãi đã có tờ trình Chính phủ đề nghị tiếp tục đầu tư. Đại biểu Tô Văn Tám chuyển đến ý nguyện của cử tri tỉnh Kon Tum đề nghị Quốc hội, Chính phủ quan tâm đưa vào Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 để hoàn thiện tuyến đường này, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội cho nhân dân các dân tộc cực Bắc Tây Nguyên và của tỉnh Kon Tum, như thế cũng phát huy hiệu quả của đầu tư công.

- Cây sâm Ngọc Linh là một dược liệu quý được bổ sung danh mục sản phẩm quốc gia theo Quyết định 787 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ. Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum đã xây dựng trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông nghiệp đề án thí điểm trồng cây sâm Ngọc Linh dưới tán rừng, nhưng đến nay đề án này vẫn chưa được xem xét. Đề nghị Thủ tướng quan tâm xét duyệt đề án này để tỉnh có cơ sở triển khai thực hiện./.

Hồ Nam VPĐĐBQH TH  
Tin liên quan:
Icon Hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum trong tuần thứ nhất của kỳ họp thứ I - Quốc hội khóa XV
Icon Quốc hội khóa XV khai mạc kỳ họp thứ Nhất
Icon Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum bầu Trưởng đoàn, Phó trưởng đoàn chuyên trách
Icon Một số kết quả hoạt động trong 6 tháng đầu năm 2021 của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum
Icon Một số nội dung và thời gian Kỳ họp thứ Nhất-Quốc hội khóa XV
Icon TIỂU SỬ TÓM TẮT CỦA NHỮNG NGƯỜI ỨNG CỬ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI KHÓA XV Ở 02 ĐƠN VỊ BẦU CỬ TRÊN ĐỊA BÀN KON TUM
Icon QUỐC HỘI KHÓA XIV MỘT NHIỆM KỲ THÀNH CÔNG
Icon Một số kết quả kỳ họp thứ 11 và hoạt động của Đoàn ĐBQH tỉnh tại kỳ họp
Icon Hoạt động của Đoàn ĐBQH tỉnh trong tuần thứ Ba - kỳ họp thứ 11
Icon Hoạt động của Đoàn ĐBQH tỉnh trong tuần thứ hai - kỳ họp thứ 11
LienKetWS LIÊN KẾT WEBSITE