banner
Thứ 6, ngày 19/4/2024
Thực trạng và kiến nghị nâng cao chất lượng hoạt động của Hội đồng nhân dân các cấp
10-3-2022
Nhiệm kỳ Hội đồng nhân dân các cấp 2016-2021 là nhiệm kỳ thực hiện một loạt các Luật mới liên quan được ban hành, như Luật tổ chức chính quyền địa phương; Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân; Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật...Qua hơn 5 năm triển khai thực hiện, hoạt động của Hội đồng nhân dân các cấp nói chung ngày càng đi vào chuyên môn hóa, chức năng quyết định và giám sát của Hội đồng nhân dân ngày càng thực chất, có hiệu lực, hiệu quả trên thực tế.
Thực trạng và kiến nghị nâng cao chất lượng hoạt động  của Hội đồng nhân dân các cấp

Tuy nhiên, quá trình áp dụng luật phát sinh nhiều vấn đề chưa được luật quy định cụ thể, dẫn đến cách hiểu và áp dụng có lúc còn gây nhầm lẫn, khó khăn trong thực hiện. Có thể dẫn ra một số bất cập như sau:

Thứ nhất, đầu nhiệm kỳ 2016-2021, Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND năm 2015 đã có hiệu lực thi hành nhưng Ủy ban Thường vụ Quốc hội chưa ban hành hướng dẫn về hoạt động của HĐND, trong đó có hoạt động giám sát, nên thời gian đầu nhiệm kỳ còn lúng túng trong triển khai thực hiện.

Thứ hai, trong việc thực hiện Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật sửa đổi, bổ sung năm 2020: Thời gian để hoàn thành việc thẩm tra chỉ có 5 ngày (chậm nhất là 15 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp HĐND, cơ quan trình dự thảo nghị quyết phải gửi hồ sơ dự thảo nghị quyết đến Ban của HĐND được phân công thẩm tra để thẩm tra. Báo cáo thẩm tra phải được gửi đến Thường trực HĐND tỉnh chậm nhất 10 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp HĐND tỉnh), trong khi nội dung trình mỗi kỳ họp là rất lớn, nhất là lĩnh vực kinh tế-ngân sách, nên các Ban HĐND tỉnh không có đủ thời gian và điều kiện phân tích sâu vấn đề; không đủ thời gian tiến hành khảo sát thực tế để có thêm thông tin phục vụ thẩm tra, nhất là những đề án, chính sách liên quan đến đời sống dân sinh.

Thứ ba, Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015; Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND năm 2015 đã nêu khá cụ thể về hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn. Tuy nhiên, các cơ quan, đối với đơn vị thuộc ngành dọc của Trung ương đóng chân trên địa bàn (Thuế, Bảo hiểm xã hội, Thống kê, Cơ quan thi hành án dân sự, Kho bạc Nhà nước, Hải quan, Ngân hàng Nhà nước ...) khi đại biểu HĐND có ý kiến chất vấn thuộc ngành, lĩnh vực hoạt động của các cơ quan, đơn vị này thì lại không thể đề nghị trả lời chất vấn trực tiếp để làm rõ vấn đề.

Thứ tư, khi thực hiện Nghị quyết số 629/2019/NQ-UBTVQH14 ngày 30/01/2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, số lượng các kỳ họp chuyên đề, đột xuất của HĐND cấp tỉnh sẽ phát sinh rất nhiều do các Luật, Nghị định, Thông tư… hiện nay của Quốc hội và các cơ quan Trung ương có nhiều nội dung quy định phải trình HĐND, nhất là trong lĩnh vực đầu tư công, ngân sách, đất đai…. Việc tổ chức quá nhiều kỳ họp chuyên đề, đột xuất sẽ gây khó khăn cho công tác chuẩn bị và hoạt động của các vị đại biểu HĐND, nhất là đối với đại biểu là cán bộ chủ chốt, đại biểu sinh sống, công tác ở vùng sâu, vùng xa (do thời gian chuẩn bị đến khi triệu tập kỳ họp rất ngắn).

Thứ năm, chế độ, chính sách và các điều kiện bảo đảm hoạt động của HĐND các cấp chưa được hướng dẫn cụ thể, nên mỗi địa phương quy định chế độ, chính sách và mức chi khác nhau, trong khi việc thực hiện chức năng, quyền hạn của đại biểu là giống nhau.

Thứ sáu, công tác bồi dưỡng kiến thức, tập huấn kỹ năng cho đội ngũ tham mưu, giúp việc, phục vụ cho HĐND các cấp chưa thường xuyên và chưa được quy định cụ thể.

Từ các bất cập, hạn chế phát sinh trong thực tiễn như đã nêu, đồng thời để đảm bảo thực hiện tốt chức năng là cơ quan quyền lực ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng của cử tri ở địa phương, thiết nghĩ cần xem xét khắc phục các hạn chế đã nêu theo các đề xuất như sau:

Một là, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có hướng dẫn bổ sung hoạt động của Hội đồng nhân dân các cấp, nhất là các vướng mắc trong thực tế đã nêu và hướng dẫn hoạt động giám sát của HĐND, Thường trực HĐND, Ban HĐND, Tổ đại biểu HĐND và đại biểu HĐND theo Luật Hoạt động giám sát của Quốc Hội và HĐND năm 2015.

Hai là, Chính phủ xem xét, sớm ban hành văn bản quy định và hướng dẫn cụ thể về nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức, biên chế của Văn phòng HĐND cấp huyện và việc tổ chức công tác tham mưu, giúp việc, phục vụ hoạt động của HĐND, UBND cấp xã (khoản 4, Điều 127 Luật Tổ chức chính quyền địa phương).

Ba là, để đảm bảo việc thực hiện chất vấn và trả lời chất vấn theo đúng quy định của pháp luật hiện hành, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần hướng dẫn nội dung cụ thể việc chất vấn thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thuộc ngành dọc của Trung ương đóng chân trên địa bàn tỉnh.

Bốn là, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép HĐND các tỉnh, thành phố được tổ chức các kỳ họp HĐND bằng hình thức trực tuyến (khi cần thiết).

Năm là, xem xét, trình sửa đổi Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo hướng nên quy định thời gian thẩm tra của các Ban HĐND tỉnh dài hơn so với quy định hiện nay, tạo điều kiện cho các Ban có thời gian nghiên cứu kỹ hơn các dự thảo nghị quyết.

Sáu là, đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, kiến nghị ban hành quy định chung chế độ, chính sách và các điều kiện bảo đảm hoạt động của HĐND các cấp thống nhất trong toàn quốc.

Bảy là, tăng cường tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức, tập huấn kỹ năng tham mưu, giúp việc, phục vụ cho công chức Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND cấp tỉnh.

Nguyễn Thế Hải  
Tin liên quan:
Icon MẤY VẤN ĐỀ VỀ QUẢN LÝ ĐỊA GIỚI HÀNH CHÍNH
Icon SỰ PHÙ HỢP VỀ QUYỀN ĐƯỢC XÉT XỬ CÔNG BẰNG TRONG TƯ PHÁP HÌNH SỰ GIỮA PHÁP LUẬT NƯỚC TA VỚI LUẬT PHÁP QUỐC TẾ
Icon VẤN ĐỀ PHÂN QUYỀN VÀ ĐỘC LẬP TRONG HOẠT ĐỘNG TƯ PHÁP.
Icon NHỮNG KHÍA CẠNH PHÁP LÝ CỦA VẤN ĐỀ TÀI SẢN CÔNG CỦA CẤP CHÍNH QUYỀN ĐỊA PHƯƠNG Ở NƯỚC TA
Icon VẤN ĐỀ BẢO VỆ CÔNG LÝ TRONG QUAN ĐIỂM CỦA ĐẢNG TA.
Icon VỀ VẤN ĐỀ BIỆN PHÁP CƯỠNG CHẾ THI HÀNH QUYẾT ĐỊNH XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRONG DỰ THẢO SỬA ĐỔI BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU LUẬT XỬ LÝ VI PHẠM HÀNH CHÍNH.
Icon VẤN ĐỀ QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ CỦA THANH NIÊN TRONG DỰ THẢO LUẬT THANH NIÊN (Sửa đổi)
Icon VẬN DỤNG NHẬN THỨC VỀ MỐI QUAN HỆ NHÂN QUẢ TRONG ĐẤU TRANH PHÒNG VÀ CHỐNG CÁC HÀNH VI VI PHẠM PHÁP LUẬT
Icon VẤN ĐỀ BỔ SUNG CHỨC NĂNG NHIỆM VỤ GIÁM ĐỊNH TƯ PHÁP CHO PHÒNG KỸ THUẬT HÌNH SỰ THUỘC VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO VÀ KIỂM TOÁN NHÀ NƯỚC TRONG DỰ THẢO SỬA ĐỔI BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT GIÁM ĐỊNH TƯ PHÁP
Icon VẤN ĐỀ VỀ HÒA GIẢI VIÊN TRONG DỰ THẢO LUẬT HÒA GIẢI ĐỐI THOẠI TẠI TÒA ÁN
LienKetWS LIÊN KẾT WEBSITE