banner
Thứ 5, ngày 25/4/2024
Vận dụng mô hình và tiêu chí Nông thôn mới đối với đặc thù vùng Tây Nguyên
19-11-2014
Qua 3 năm triển khai thực hiện Chương trình MTQG về xây dựng nông thôn mới (NTM), tỉnh Kon Tum bước đầu đã có nhiều chuyển biến tích cực: Bộ mặt nông thôn đổi mới, khang trang hơn; cuộc sống vật chất, tinh thần nông dân vùng nông thôn được nâng cao; người dân ngày càng tin tưởng vào đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước và tự giác tham gia chương trình bằng nhiều công việc cụ thể. Tuy nhiên, trong điều kiện đặc thù với mặt bằng dân trí thấp so với các địa phương khác nên trong xây dựng NTM đã gặp rất nhiều khó khăn; tỉnh Kon Tum nói riêng và khu vực Tây Nguyên nói chung đã vận dụng mô hình và tiêu chí NTM đối với đặc thù vùng Tây nguyên trong xây dựng NTM ở địa phương đảm bảo hài hòa, phù hợp với tình hình thực tế tại mỗi vùng.
Vận dụng mô hình và tiêu chí Nông thôn mới  đối với đặc thù vùng Tây Nguyên

Áp dụng các tiêu chí hài hòa, phù hợp với tình hình thực tế tại mỗi vùng:

Nhằm triển khai xây dựng NTM đạt kết quả cao, tỉnh đã xác định xây dựng NTM cần phải thực hiện một cách đồng bộ, trong đó có có sự ưu tiên lựa chọn điểm, xác định nội dung, nhiệm vụ chính để tập trung đầu tư làm khâu đột phá, đối với từng vùng có điều kiện khác nhau sẽ có giải pháp thực hiện khác nhau, cụ thể: Trong việc áp dụng các tiêu chí NTM: Một số tiêu chí NTM cần phải linh hoạt sao cho phù hợp với tình hình hiện tại và phù hợp với phong tục tập quán, như việc xây dựng nhà văn hóa thôn, đặc thù các dân tộc tại tỉnh Kon Tum và xây dụng Nhà rông truyền thống nên tỉnh xác định lấy Nhà rông là nhà văn hóa của khu dân cư với hình thức, kiểu dáng và vị trí do cộng đồng dân cư tại chỗ quyết định.

Hay đối với tiêu chí chợ nông thôn, mặc dù một số xã theo quy hoạch là có chợ, tuy nhiên xét về điều kiện hiện tại nhu cầu cần thiết phải có chợ của phần lớn các xã là chưa cần thiết, có xây dựng cũng lãng phí, không có người họp, do đó tỉnh xác định chỉ đầu tư xây chợ khi có nhu cầu thật sự; ngoài ra một số tiêu chí khác cũng phải xác định thực hiện từng bước phù hợp với phong tục tập quán như xây dựng nghĩa trang, chuẩn hóa đội ngũ cán bộ cơ sở, môi trường…

Trong việc đầu tư hỗ trợ xây dựng NTM cũng phải xác định vấn đề trong tâm cần ưu tiêu thực hiện trước, như đối với tỉnh Kon Tum vấn đề khó khăn nhất là hệ thống cơ sở hạ tầng, do đó tỉnh đã xác định ưu tiên tập trung xây dựng đồng bộ hệ thống cơ sở hạ tầng nông thôn, qua đó từ các Chương trình dự án khác đang đầu tư trên địa bàn tỉnh đã lồng ghép để đầu tư xây dựng, kết quả về cơ bản một số hạng mục hạ tầng vùng nông thôn cơ bản được hoàn thiện như hệ thống trạm y tế xã, trường học, hệ thống điện, hệ thống thủy lợi…

Trong phát triển sản xuất: Tỉnh đã xây dựng quy hoạch phát triển nông nghiệp toàn tỉnh, qua đó đã xác định lợi thế của mỗi vùng để tập trung hỗ trợ triển khai thực hiện nhằm phát huy lợi thế đó, qua đó tỉnh đã ban hành một số chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất xóa đói giảm nghèo như chính sách hỗ trợ người nghèo trồng cao su, hỗ trợ phát triển cây cà phê chè vùng Đông Trường Sơn, hỗ trợ cải tạo đàn bò địa phương…

Cơ chế, chính sách đặc thù trong xây dựng NTM:

Nhằm tập trung nguồn lực trong xây dựng nông thôn mới, trong thời gian qua tỉnh đã ban hành một số cơ chế, chính sách hỗ trợ trong xây dựng NTM như : Tỉnh Kon Tum xác định giao thông nông thôn và kênh mương nội đồng là khâu đột phá trong xây dựng NTM; tỉnh xác định mục tiêu đến năm 2015 các xã đều đạt tiêu chí về giao thông và thủy lợi; vì vậy tỉnh đã ban hành Đề án cơ chế, chính sách hỗ trợ xây dựng một số công trình hạ tầng KT-XH thuộc Chương trình MTQG xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh Kon Tum giai đoạn 2014 - 2015 nhằm tập trung nguồn lực để triển khai thực hiện việc bê tông hóa đường giao thông nông thôn, kiên cố hoá kênh mương nội đồng (thực hiện theo cơ chế đặc thù); kế hoạch trong 2 năm (2014-2015), tỉnh phấn đấu làm trên 723 km đường và 165 km kênh mương nội đồng.

Để các hộ nghèo thoát nghèo bền vững, tỉnh đã ban hành Đề án chính sách hỗ trợ phát triển cao su tiểu điền; Đề án phát triển cà phê chè vùng Đông Trường Sơn (Hỗ trợ giống và vật tư cho các hộ nghèo). Với mục tiêu đến năm 2016 hỗ trợ trên 7.000 hộ, với trên 6.000 ha cao su, đến năm 2019 hỗ trợ trên 1.600 hộ, với 1.400 ha cà phê chè.

Tái cấu trúc sản xuất nông nghiệp, lồng ghép xóa đói giảm nghèo:

Tái cấu trúc lại sản xuất nông nghiệp theo hướng hiệu quả cao hơn và bền vững hơn gắn với xây dựng NTM là một yêu cầu cần thiết và cấp bách. Do đó, tỉnh đã xác định yếu tố nông nghiệp là nền tảng, là trục phát triển, là trụ đỡ trong phát triển KT-XH của tỉnh, trọng tâm của tái cơ cấu chính là tổ chức lại quy mô sản xuất nông nghiệp theo hướng hình thành chuỗi sản xuất và chuỗi tiêu thụ, gắn người nông dân với doanh nghiệp. Các mặt hàng nông sản chủ lực của tỉnh cà phê, cao su, mía, sắn, rau hoa xứ lạnh... phát triển còn thiếu tính bền vững, sức cạnh tranh chưa cao; còn nhiều rủi ro do khó khăn về giá cả và thị trường tiêu thụ. Bên cạnh đó, sự liên kết giữa các địa phương chưa thật sự chặt chẽ và đi vào chiều sâu. Chính vì vậy, tái cơ cấu ngành nông nghiệp nhằm giữ vững "trụ đỡ” của nền kinh tế cũng như tăng thu nhập thực tế cho người nông dân đã và đang được đặt ra một cách cấp thiết.

Mục tiêu sẽ tổ chức lại sản xuất theo định hướng thị trường, xây dựng chuỗi giá trị cho từng loại sản phẩm, gắn với tổ chức lại từng ngành hàng nông sản, hướng đến phát triển bền vững, hiệu quả, thu nhập của người nông dân tiếp tục được tăng lên, đời sống được cải thiện. Tái cơ cấu nền sản xuất nông nghiệp gắn với xây dựng NTM - 2 mục tiêu này phải có sự gắn bó với nhau tạo ra một nền nông nghiệp phát triển bền vững, giá trị cao.

Triển khai thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM giai đoạn 2010 - 2020, tỉnh Kon Tum có 81 xã (cuối năm 2013 chia tách thêm 05 xã, hiện nay là 86 xã); trước khi triển khai thực hiện Chương trình NTM, so với Bộ tiêu chí quốc gia về NTM thì mặt bằng chung của nông thôn tỉnh Kon Tum đang nằm ở mức thấp, hầu hết các xã mới chỉ đạt được từ 2 đến 3 tiêu chí.

Đến nay đã có 81/81 xã hoàn thành quy hoạch chung xây dựng NTM (đạt 100%); số xã đang triển khai thực hiện quy hoạch chi tiết trung tâm xã là 34 xã, trong đó có 20 xã cơ bản hoàn thành quy hoạch chi tiết (đạt 24%); Đến nay toàn tỉnh đã có 81 xã  đã xây dựng hoàn thành và được phê duyệt Đề án xây dựng nông thôn mới (đạt 100%).

Có 02 xã đạt chuẩn 19 tiêu chí (xã Hà Mòn và Đăk Mar - huyện Đăk Hà), tăng 02 xã so với năm 2011. Số xã đạt từ 11 đến 13 tiêu chí là 4 xã, tăng 03 xã so với năm 2011. Số xã đạt từ 05 đến 10 tiêu chí là 52 xã, tăng 38 xã so với năm 2011. Số xã đạt dưới 05 tiêu chí là 23 xã, giảm 43 xã so với năm 2011. Tỷ lệ bình quân số tiêu chí đạt chuẩn/xã là 6,08 tiêu chí/xã, tăng 3,11 tiêu chí/xã so với năm 2011.

So với bộ tiêu chí quốc gia về NTM, tỷ lệ đạt chuẩn các tiêu chí đã tăng lên qua từng năm, đến nay tỉnh đã có 02/86 xã đạt chuẩn tiêu chí số 2 về giao thông, có 51/86 xã đạt chuẩn tiêu chí số 3 về thủy lợi, 58/86 xã đạt chuẩn tiêu chí số 4 về điện, 12/86 xã đạt chuẩn tiếu chí số 5 về trường học, hầu hết các xã đều đã có trạm y tế xã ...

Phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân:

Mục tiêu phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân đã được tỉnh xác định là nhiệm vụ trọng tâm và tập trung mọi nguồn lực để hỗ trợ phát triển sản xuất, kết quả trong thời gian qua trên địa bàn tỉnh đã tập trung triển khai thực hiện các Đề án, Chương trình như: Đề án hỗ trợ phát triển cao su tiểu điền; Đề án phát triển Cà phê xứ lạnh, Đề án phát triển chăn nuôi giai đoạn 2011 - 2015, định hướng 2020; các Dự án nuôi trồng thủy sản, trồng rau hoa xứ lạnh; Đề án phát triển lâm nghiệp bền vững; Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, ... Kết quả đã có một số mô hình đạt hiệu quả cao như: Mô hình ứng dụng chế phẩm sinh học trên các loại cây trồng, đệm lót sinh học chăn nuôi gia súc, gia cầm tại huyện Đăk Hà; mô hình nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện; mô hình trồng rau hoa xứ lạnh; mô hình trồng rau sạch bền vững; mô hình nuôi bò sinh sản; nhóm hộ vừa sản xuất và sơ chế cà phê; nhóm hộ sơ chế mủ cao su; mô hình trồng thanh long ruột đỏ; mô hình chăn nuôi đặc sản.….

Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn cũng đã được tập trung thực hiện, đến hết năm 2013 trên địa bàn tỉnh đã tổ chức đào tạo nghề cho hơn 8.000 người, trong đó: nghề nông nghiệp là 5.322 người. Kết quả sau khi học nghề, đối với lao động học nghề thuộc lĩnh vực nông nghiệp cơ bản đã tiếp cận được kiến thức, cách làm, tăng năng suất lao động, qua đó tạo việc làm tại chỗ, nâng cao thu nhập cho bản thân và gia đình, góp phần ổn định cuộc sống; đối với lao động học nghề phi nông nghiệp đã tự kiếm sống bằng nghề được học, có cơ hội được nhận vào làm việc tại các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp. Qua việc hỗ trợ phát triển sản xuất đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh từ 33,36% năm 2010 xuống còn 19,2% năm 2013./.        

Ngọc Bích  
Tin liên quan:
Icon Quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
Icon Tăng cường giáo dục các kỹ năng sống trong các gia đình trẻ
Icon Đến năm 2020, 70% gia đình được nhận danh hiệu “Gia đình học tập”
Icon Cấm sử dụng rượu bia trước giờ làm việc
Icon Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống khủng bố quốc gia
Icon Phê duyệt Chương trình hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình đến năm 2020
Icon Quy định xử lý trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị khi để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách
Icon Phê duyệt Đề án “Xử lý nợ xấu của Ngân hàng Chính sách xã hội
Icon Công tác giảm nghèo bền vững ở Tu Mơ Rông: Hiệu quả từ những chính sách đồng bộ, đúng đắn
Icon Chào năm mới 2014
LienKetWS LIÊN KẾT WEBSITE