banner
Thứ 6, ngày 26/4/2024
Quốc hội thảo luận Tổ về Kinh tế-Xã hội
26-5-2022
Sáng ngày 25-5-2022, Quốc hội đã tiến hành thảo luận ở Tổ các nội dung: Đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2021; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2022. Phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2020; Công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021; Việc tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và việc kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017. Ủy viên Bộ Chính trị -Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Ủy viên Trung ương Đảng - Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân; các đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum cùng 20 đại biểu Quốc hội các tỉnh Điện Biên, An Giang và thành phố Cần Thơ thảo luận tại Tổ số 4. Tại buổi thảo luận, các đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum Phạm Đình Thanh, Nguyễn Văn Hùng, Tô Văn Tám và Trần Thị Thu Phước đã tham gia phát biểu với 17 ý kiến.
Quốc hội thảo luận Tổ về Kinh tế-Xã hội
ĐBQH Phạm Đình Thanh phát biểu thảo luận tại kỳ họp thứ 3.

Phát biểu tại buổi thảo luận, đại biểu Quốc hội Phạm Đình Thanh, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh cơ bản thống nhất nội dung Báo cáo 199/BC-CP ngày 22/5/2022 của Chính phủ, Báo cáo bổ sung kết quả thực hiện kế hoạt về phát triển KTXH năm 2021, tình hình phát triển KTXH những tháng đầu năm 2022 và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội. Đồng thời đề nghị Chính phủ chỉ đạo, đánh giá rõ hơn về nguyên nhân, trách nhiệm đối với khuyết điểm "Các chương trình mục tiêu quốc gia và một số chương trình phục hồi và phát triển KTXH triển khai còn chậm" như đã nêu trong Báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội.

Về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong thời gian tới, đại biểu Phạm Đình Thanh đề nghị 03 vấn đề: Thứ nhất, đề nghị Quốc hội, Chính phủ sớm chỉ đạo, bố trí nguồn vốn đã được phân bổ tại Nghị quyết số 517/NQ-UBTVQH ngày 22/5/2022 của UBTV Quốc hội, để các ngành và các địa phương triển khai thực hiện kịp thời, hiệu quả 03 Chương trình Mục tiêu Quốc gia (Chương trình phát triển KTXH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và Chương trình xây dựng nông thôn mới). Thứ hai, đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, sớm thực hiện hoàn thành việc "Đánh giá, rà soát những khó khăn, vướng mắc và bất cập trong thời gian thực hiện Quyết định 861/QĐ-TTg để có giải pháp hỗ trợ phù hợp cho các đối tượng sinh sống tại khu vực II, III nay chuyển lên khu vực I" theo nội dung Nghị quyết Kỳ họp thứ hai- Quốc hội khóa XV. Qua khảo sát của Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum thời gian qua cho thấy ở một số xã trước đây thuộc khu vực II, III nay chuyển lên khu vực I nhưng vẫn còn  nhiều đối tượng thực sự còn gặp khó khăn trong cuộc sống. Tuy nhiên, khi xã chuyển lên khu vực I thì họ không còn được hưởng các chính sách hỗ trợ Nhà nước nên đã gặp không ít khó khăn. Ví dụ như học sinh ở các xã này, không còn chế độ bán trú, cấp gạo, miễn học phí, BHYT… . Trong đó chủ yếu là học sinh người dân tộc thiểu số, nên các em gặp không ít khó khăn trong quá trình học tập... Rất cần được rà soát, đánh giá đúng thực trạng để sớm có chính sách hỗ trợ phù hợp.

Quang cảnh buổi thảo luận tổ

Thứ ba, về nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới, tại báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội lần này, có nội dung là: Khẩn trương hoàn thành việc xây dựng đề án trình Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết đối với một số vùng, trong đó có vùng Tây nguyên. Theo đại biểu Phạm Đình Thanh chủ trương này là rất kịp thời và hết sức phù hợp với mong muốn của bà con cử tri các tỉnh Tây Nguyên. Đề nghị trong đề án trình Bộ chính trị  ban hành Nghị quyết và trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị (sau khi ban hành), Quốc hội, Chính phủ sẽ có các cơ chế, chính sách phù hợp để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc hiện nay, nhằm khai thác, phát huy tốt nhất tiềm năng lợi thế của từng vùng, từng địa phương. Riêng đối với vùng Tây Nguyên, trong đó có tỉnh Kon Tum, hiện nay rất cần có các cơ chế, chính sách về phân cấp, ủy quyền trong quản lý đất đai, quyết định chuyển mục đích sử dụng đất, nhất là đất rừng để tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai, thực hiện các dự án. 

Đồng thời, Tây nguyên nói chung, Kon Tum nói riêng cũng rất mong được Chính phủ và các bộ, ngành ở Trung ương quan tâm ban hành các cơ chế, chính sách phù hợp, cũng như tạo điều kiện thuận lợi nhất để địa phương khai thác, phát huy tốt các tiềm năng lợi thế hiện có như: khai thác nguồn năng lượng tái tạo để phát triển các dự án lớn về điện gió, điện mặt trời; phát triển mạnh về dược liệu, về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiêp sạch.

Hồ Nam VPĐĐBQH TH  
Tin liên quan:
Icon Quốc hội khóa XV khai mạc kỳ họp thứ 3
Icon Kết quả tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 3 - Quốc hội khóa XV
Icon Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tiếp xúc cử tri xã Đăk Trăm, huyện Đăk Tô
Icon Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tiếp xúc cử tri xã Đăk Tờ Kan, huyện Tu Mơ Rông
Icon Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tiếp xúc cử tri xã Đăk Tờ Re, huyện Kon Rẫy
Icon Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tiếp xúc cử tri xã Hiếu, huyện Kon Plông
Icon Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum tiếp xúc cử tri tại xã Đăk Hring, huyện Đăk Hà
Icon Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV tại xã Đăk Dục, huyện Ngọc Hồi
Icon Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV tại xã Đăk Choong, huyện Đăk Glei
Icon Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV tại xã Rờ Kơi, huyện Sa Thầy
LienKetWS LIÊN KẾT WEBSITE