banner
Thứ 7, ngày 27/4/2024
Quốc hội thảo luận ở hội trường về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật
9-11-2022
Sáng ngày 08/11/2022, dưới sự dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, sự điều hành nội dung của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Quốc hội nghe các báo cáo và tiến hành thảo luận ở Hội trường về các Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng; Báo cáo công tác của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; Báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao năm 2022... Tại Phiên thảo luận này, đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum Phạm Đình Thanh và 11 đại biểu Quốc hội cả nước đã phát biểu tham gia ý kiến.
Quốc hội thảo luận ở hội trường về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật
ĐBQH Phạm Đình Thanh phát biểu ý kiến thảo luận

Theo đại biểu Phạm Đình Thanh, trong năm qua Chính phủ, Bộ Công an, Bộ Tư pháp và các cơ quan tư pháp ở Trung ương đã có nhiều nỗ lực trong việc chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ phòng, chống và xử lý vi phạm, tội phạm, phòng, chống tham nhũng và thi hành án; đã thực hiện đạt và vượt nhiều chỉ tiêu Nghị quyết 96 của Quốc hội. Qua khảo sát, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của cử tri và dư luận xã hội cho thấy cử tri rất đồng thuận, ủng hộ việc các cơ quan bảo vệ pháp luật đẩy mạnh trấn áp tội phạm ma túy và đã kéo giảm tội phạm về ma túy; tuy nhiên, cử tri cũng rất lo lắng trước việc phát hiện nhiều đường dây ma túy từ nước ngoài vào Việt Nam qua tuyến đường bộ, đường hàng không, chuyển phát nhanh. Tội phạm và tệ nạn về ma túy có dấu hiệu phức tạp trở lại sau dịch COVID-19, việc quản lý người nghiện ma túy ở ngoài xã hội còn nhiều bất cập, kết quả công tác cai nghiện còn hạn chế. Tội phạm do người nghiện ma túy gây ra, nhất là hành vi phạm tội của số đối tượng sử dụng ma túy trái phép bị loạn thần, “ngáo đá” trong một số vụ án hình sự là hết sức nguy hiểm, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, gây lo lắng, bất an trong xã hội. Cùng với đó là những diễn biến phức tạp của tội phạm buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới. Sự gia tăng của tội phạm mua, bán người với phương thức, thủ đoạn rất tinh vi, như lừa bán người qua biên giới Campuchia để cưỡng bức lao động, cưỡng đoạt tài sản…Theo báo cáo của Chính phủ thì tội phạm mua, bán người tăng 10,26%.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên họp

Xuất phát từ thực trạng trên, đại biểu Phạm Đình Thanh có ý kiến: Thứ nhất, đề nghị Chính phủ, Bộ Công an, các cơ quan tư pháp và chính quyền các tỉnh, thành phố cần tăng cường các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và nâng cao hiệu quả đấu tranh, triệt phá các loại tội phạm, nhất là tội phạm về ma túy, tội phạm có tổ chức, tội phạm có yếu tố nước ngoài. Cùng với đó, cần chỉ đạo quyết liệt và triển khai đồng bộ hơn về công tác cai nghiện ma túy và biện pháp quản lý người nghiện ma túy ở địa phương, nhất là đối với số người nghiện ma túy đang ở ngoài cộng đồng, thực hiện chặt chẽ, hiệu quả công tác theo dõi, phòng ngừa, ngăn chặn hành vi tội phạm do người nghiện ma túy gây ra. Theo báo cáo của Chính phủ thì hiện nay toàn quốc có trên 200.000 người nghiện ma túy, trong đó có trên 100.000 người ở ngoài cộng đồng, trên 52.000 người sử dụng trái phép chất ma túy, đây chính là nguồn cầu tiêu thụ ma túy và cũng là nguồn cung của các loại tội phạm. Ma túy thực sự đang là tội phạm của các loại tội phạm, như ý kiến phát biểu của đồng chí Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an tại phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 10/8/2022. Ma túy đã làm nảy sinh bao nhiêu tội phạm khác như trộm cắp, giết người, cướp tài sản, v.v.. Vấn đề này cần phải hết sức quan tâm.

Thứ hai, đối với nhiệm vụ rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, đề nghị Chính phủ và cả cơ quan tư pháp trung ương quan tâm rà soát, tổng hợp, đề xuất việc bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật để thực hiện hiệu quả hơn công tác đấu tranh, xử lý tội phạm ở khu vực biên giới, cửa khẩu. Đối với lực lượng bộ đội biên phòng, ngoài phạm vi, trách nhiệm điều tra được giao tại Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự, cần tiếp tục nghiên cứu, đề xuất giao lực lượng bộ đội biên phòng thực hiện một số nhiệm vụ công tác điều tra đối với các tội phạm thường xuyên xảy ra trên khu vực biên giới, cửa khẩu. Ví dụ như, tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý hiếm quy định tại Điều 244 Bộ luật Hình sự; tội phạm về buôn bán, tàng trữ, vận chuyển hàng cấm quy định tại Điều 190, Điều 191 Bộ luật Hình sự. Để đảm bảo thực hiện tốt nguyên tắc hành vi tội phạm phải được phát hiện kịp thời, xử lý nhanh chóng, đúng pháp luật.

Thứ ba về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính. Đề nghị Chính phủ xem xét giao lực lượng bộ đội biên phòng thẩm quyền xử phạt đối với các hành vi vi phạm quy định về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất nổ, công cụ hỗ trợ, pháo và đồ chơi nguy hiểm, quy định tại Điều 11 và hành vi vi phạm các quy định về phòng, chống và kiểm soát ma túy, quy định tại Điều 23 Nghị định 144 ngày 31/12/2021 của Chính phủ. Việc giao lực lượng bộ đội biên phòng thẩm quyền, trách nhiệm xử lý đối với các hành vi vi phạm, tội phạm xảy ra nhiều trên khu vực biên giới, cửa khẩu nêu trên cũng là để lực lượng bộ đội biên phòng thực hiện đầy đủ chức trách, nhiệm vụ theo vị trí, chức năng được quy định tại Luật Biên phòng Việt Nam. Đó là thực hiện quản lý nhà nước về quốc phòng, an ninh, đối ngoại và chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức duy trì an ninh trật tự, an toàn xã hội khu vực biên giới, cửa khẩu.

Về báo cáo hằng năm của Chính phủ và báo cáo của các cơ quan tư pháp trình Quốc hội, đại biểu Phạm Đình Thanh thống nhất phương án các báo cáo thể hiện đầy đủ tình hình số liệu cả năm và trình tại kỳ họp đầu năm của Quốc hội./.

Hồ Nam VPĐĐBQH TH  
Tin liên quan:
Icon Hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum trong tuần thứ ba của kỳ họp thứ 4 - Quốc hội khóa XV
Icon Quốc hội thảo luận Tổ đối với dự án Luật Đất đai (sửa đổi)
Icon Quốc hội thảo luận Tổ đối với Dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) và Dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi)
Icon Quốc hội thảo luận Tổ đối với dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi) và dự án Luật Phòng thủ dân sự
Icon Quốc hội thảo luận việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021
Icon Quốc hội thảo luận ở hội trường về kinh tế - xã hội
Icon Hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum trong tuần thứ hai của kỳ họp thứ 4 - Quốc hội khóa XV
Icon Quốc hội thảo luận Tổ về Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk
Icon Quốc hội thảo luận về dự án Luật Dầu khí (sửa đổi)
Icon Quốc hội thảo luận Tổ về Dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi)
LienKetWS LIÊN KẾT WEBSITE