banner
Thứ 5, ngày 18/4/2024
Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Đất đai (sửa đổi)
15-11-2022
Buổi sáng ngày 14/11/2022 dưới sự chủ tọa của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và sự điều hành nội dung của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Thanh tra (sửa đổi) và Luật Dầu khí (sửa đổi), sau đó tiến hành thảo luận ở hội trường về dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Tại phiên thảo luận này, đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum Tô Văn Tám và 21 đại biểu Quốc hội cả nước phát biểu và 4 đại biểu Quốc hội tranh luận.
Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Đất đai (sửa đổi)
ĐBQH Tô Văn tám phát biểu thảo luận

Đại biểu Tô Văn Tám tán thành việc sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai và tham gia 2 ý kiến về vấn đề thu hồi đất và mở rộng hạn mức chuyển quyền sử dụng đất. Theo đại biểu Tô Văn Tám vấn đề thu hồi đất luôn là vấn đề phức tạp, nhạy cảm, được sự quan tâm của toàn xã hội, liên quan đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội và mọi người dân. Báo cáo thường niên của Chính phủ về khiếu nại, tố cáo cho thấy, khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai, liên quan đến việc thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội chiếm gần 70% trong tổng số khiếu nại, tố cáo. Người dân có thể chấp nhận hy sinh quyền lợi hoặc chịu thiệt về quyền lợi nếu việc thu hồi đất đó cho mục đích quốc phòng, an ninh hoặc phát triển kinh tế, cho lợi ích của cộng đồng, lợi ích của Nhà nước, nhưng sẽ không chấp nhận việc thu hồi đất chỉ mang lại lợi ích cho cá nhân hoặc một nhóm người, nhưng lại áp giá đền bù thấp, mang tính áp đặt hay tạo kẽ hở cho sự trục lợi, lợi ích nhóm. Sửa đổi Luật Đất đai lần này cần phải giải quyết được vấn đề này. Một điểm quan trọng để giải quyết vấn đề, đó là làm rõ nội hàm của việc thu hồi đất cho phát triển kinh tế vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng. Ở đây cần nhìn nhận rằng, lợi ích quốc gia thu được từ việc thu hồi đất mang tính lợi nhuận cho Nhà nước, còn lợi ích công cộng thì mang tính xã hội và không mang tính lợi nhuận.

Về các trường hợp thu hồi đất, luật hiện hành và dự thảo luật đều sử dụng phương pháp liệt kê để xác định các trường hợp thu hồi, phương pháp này giúp cho việc thu hồi cụ thể từng trường hợp, từng dự án. Tuy nhiên, một vấn đề là lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng thường không cố định và vận động theo hướng phát triển. Mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội là rất rộng và cũng theo hướng phát triển. Liệu những quy định theo phương pháp này có bao quát hết và dự liệu hết các trường hợp các dự án sẽ phát sinh trong quá trình phát triển hay không là vấn đề Ban soạn thảo cần quan tâm thêm. Mặt khác, khi nói đến thu hồi đất, tức là việc chính quyền, Nhà nước thu hồi đất đai của chủ thể này trao cho một chủ thể khác bằng một mệnh lệnh hành chính. Do vậy, nó tiềm ẩn nhiều nguy cơ xung đột, nhiều nguy cơ lạm quyền, gây bức xúc trong nhân dân. Bởi vậy nên chăng xem xét, tiếp cận một vấn đề nữa theo hướng là những dự án vì mục đích quốc phòng, an ninh, những dự án phát triển kinh tế - xã hội mang tính chiến lược, quy định sự phát triển một vùng, một khu vực, một tỉnh hoặc của cả nước hoặc các công trình công cộng thì thu hồi, còn các dự án phát triển kinh tế đơn thuần thương mại theo quy hoạch, mang lại lợi ích chủ yếu cho nhà đầu tư thì thương lượng với người dân để mua lại hoặc thỏa thuận cho họ góp vốn bằng quyền sử dụng đất. Trong quá trình thương lượng đó có sự tham gia của chính quyền, với tư cách là chủ thể quản lý đất đai trên địa bàn. Một quan điểm hết sức đúng đắn của Đảng tại Nghị quyết 18 trong vấn đề bồi thường, hỗ trợ tái định cư cho người dân là khi Nhà nước thu hồi đất là phải có chỗ ở và đảm bảo cuộc sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở mới. Dự thảo luật đã đưa quan điểm này thành nguyên tắc bồi thường về đất đai khi Nhà nước thu hồi đất tại khoản 2 Điều 97. Chúng ta thấy rằng, khi Nhà nước thu hồi đất, người dân mất đi một tư liệu sản xuất rất quan trọng, bởi vậy, việc bồi thường, hỗ trợ không chỉ bằng tiền mà điều quan trọng nhất là đảm bảo kế sinh nhai lâu dài, bền vững cho người dân. Nếu không đảm bảo được điều này, họ sẽ rơi vào nguy cơ tái đói nghèo. Do đó, dự thảo cần có những quy định cụ thể về việc tạo sinh kế cho người dân khi bị thu hồi đất.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành Phiên họp 

Về mở rộng hạn mức chuyển quyền sử dụng đất quy định tại Điều 181, yêu cầu của sản xuất lớn trong nông nghiệp là mở rộng giới hạn của mức hạn điền. Luật hiện hành quy định giới hạn này là 10 lần mức giao đất nông nghiệp của hộ gia đình và cá nhân. Dự thảo sửa đổi tại Điều 181 đã nâng lên mức 15 lần. Theo quy định này thì diện tích trồng cây hàng năm của hộ gia đình, cá nhân sử dụng tối đa lên 45 hecta, diện tích đất trồng cây lâu năm vùng đồng bằng là 150 hecta, vùng trung du, miền núi là 450 hecta, diện tích rừng phòng hộ, rừng sản xuất là 450 hecta. Quy định này đủ lớn để đáp ứng cho hộ gia đình, cá nhân mở rộng quy mô sử dụng đất theo hướng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung quy mô lớn và hiệu quả. Vấn đề ở đây là về thực chất đây là việc người dân chuyển quyền sử dụng đất của mình sang cho người khác thông qua trao đổi, mua bán để hình thành một chủ sở hữu mới, với quy mô ruộng đất lớn hơn, đây được coi là tích tụ ruộng đất. Xu hướng này nếu phát triển mạnh sẽ dẫn tới một thực trạng là sẽ có nhiều người nông dân không còn ruộng đất để canh tác và nếu gặp các cú sốc trong nền kinh tế sẽ gặp khó khăn và cũng sẽ là một nguy cơ. Thực tiễn cho thấy khi có biến động của kinh tế - xã hội như suy thoái kinh tế hay đại dịch như vừa qua thì vườn, ruộng, đất đai nông nghiệp vẫn là nơi trú ẩn an toàn của người lao động. Bởi vậy, cần quan tâm thúc đẩy một hình thức khác để có quy mô ruộng đất lớn hơn mà người dân vẫn không mất đi quyền sử dụng đất của mình. Đó là các hộ gia đình, cá nhân liên kết góp vốn với nhau dưới nhiều hình thức hoặc góp vốn bằng quyền sử dụng đất doanh nghiệp để hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa lớn hơn, còn gọi là tập trung đất đai, với hình thức này thì không giới hạn mức hạn điền, dự thảo cần có các quy định cho hình thức này./.

Hồ Nam VPĐĐBQH TH  
Tin liên quan:
Icon Hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum trong tuần thứ tư của kỳ họp thứ 4 - Quốc hội khóa XV
Icon Quốc hội thảo luận ở hội trường về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật
Icon Hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum trong tuần thứ ba của kỳ họp thứ 4 - Quốc hội khóa XV
Icon Quốc hội thảo luận Tổ đối với dự án Luật Đất đai (sửa đổi)
Icon Quốc hội thảo luận Tổ đối với Dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) và Dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi)
Icon Quốc hội thảo luận Tổ đối với dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi) và dự án Luật Phòng thủ dân sự
Icon Quốc hội thảo luận việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021
Icon Quốc hội thảo luận ở hội trường về kinh tế - xã hội
Icon Hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum trong tuần thứ hai của kỳ họp thứ 4 - Quốc hội khóa XV
Icon Quốc hội thảo luận Tổ về Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk
LienKetWS LIÊN KẾT WEBSITE