banner
Thứ 3, ngày 30/4/2024
Đoàn ĐBQH tỉnh thảo luận ở tổ về Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi)
3-11-2023
Chiều ngày 02/11/2023, Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum tham gia thảo luận tại Tổ cùng với các Đoàn ĐBQH tỉnh: Thái Nguyên, Long An, Đăk Nông về Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Tại buổi thảo luận, đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum Trần Thị Thu Phước và 8 đại biểu Quốc hội trong Tổ đã phát biểu tham gia xây dựng luật.
Đoàn ĐBQH tỉnh thảo luận ở tổ về Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi)
Đại biểu Trần Thị Thu Phước phát biểu. Ảnh: VM

Phát biểu tại buổi thảo luận, đại biểu Quốc hội Trần Thị Thu Phước cho rằng Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) là văn bản pháp luật quan trọng, liên quan đến quyền lợi và nghĩa vụ của hàng triệu người lao động, của người dân Việt Nam; đó là hệ thống bảo hiểm xã hội hiện đại, công bằng, bình đẳng, chia sẻ và bền vững. Do đó, đại biểu Phước ủng hộ mục tiêu và tinh thần của Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi), đồng thời nhấn mạnh đến việc xây dựng Luật này là nhằm thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về bảo đảm và phát triển an sinh xã hội theo Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội.

Qua đó, đại biểu Phước cho rằng có một số điểm trong dự thảo Luật này cần được sửa đổi, bổ sung hoặc loại bỏ để Luật BHXH (sửa đổi) có thể phù hợp với thực tiễn và mang lại lợi ích cao nhất cho người lao động và người dân Việt Nam. Cụ thể có hai vấn đề.

Thứ nhất, đề nghị loại bỏ quy định tại khoản 3 Điều 37 và Điều 135 dự thảo Luật, vì các quy định này là không hợp lý và vi phạm quyền tự do đi lại của người sử dụng lao động hoặc người được ủy quyền của người sử dụng lao động. Theo quy định tại khoản 1 Điều 12 Luật Doanh nghiệp năm 2020, thì người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp sẽ đại diện cho quyền, nghĩa vụ cũng như tư cách pháp lý của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Điều 135 Bộ luật dân sự năm 2015 có quy định: “Quyền đại diện được xác lập theo ủy quyền giữa người được đại diện và người đại diện; theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, theo điều lệ của pháp nhân hoặc theo quy định của pháp luật”.

Căn cứ các quy định nêu trên thì người đại diện theo pháp luật và người được ủy quyền thực hiện quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật có hành vi trốn đóng BHXH sẽ áp dụng xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 39, Nghị định số 12/2022/NĐ-CP ngày 17/01/2022 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Theo đó, nếu người đại diện theo pháp luật và người được ủy quyền thực hiện quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật là công dân Việt Nam sẽ bị áp dụng tạm hoãn xuất cảnh theo quy định tại khoản 6 Điều 36 Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam. Trường hợp người đại diện theo pháp luật và người được ủy quyền thực hiện quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật là người nước ngoài sẽ bị áp dụng tạm hoãn xuất cảnh theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 28 Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam. Đại biểu Phước cho rằng việc áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh cho người sử dụng lao động hoặc người được ủy quyền của người sử dụng lao động là không phù hợp với quyền tự do đi lại được quốc tế công nhận và bảo vệ. Đồng thời, việc này cũng gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh, đầu tư và hợp tác quốc tế của các doanh nghiệp Việt Nam. Từ đó, đại biểu đề nghị Quốc hội xem xét lại quy định này và loại bỏ nó khỏi Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi).

Thứ hai, đề nghị bổ sung quy định về việc mở rộng diện bao phủ đối tượng tham gia BHXH tự nguyện. Đại biểu cho biết, theo số liệu thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, đến tháng 9 năm 2022, tỷ lệ tham gia BHXH đạt 37,01% lực lượng lao động theo độ tuổi. Trong khi đó, Nghị quyết số 28-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương đề ra mục tiêu đến năm 2025 đạt khoảng 45% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội. Một trong những nguyên nhân chính là chính sách BHXH tự nguyện chưa thật sự hấp dẫn người dân tham gia. Đại biểu Phước cho rằng cần có những biện pháp cụ thể để khuyến khích và hỗ trợ người dân tham gia BHXH tự nguyện, nhất là những đối tượng có thu nhập thấp, không ổn định hoặc không có nguồn thu nhập chính thức như: lao động tự do, lao động nông thôn, lao động ngoài biên chế, lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam…

CTQH  
Tin liên quan:
Icon Quốc hội thảo luận Kinh tế - Xã hội
Icon Khắc phục hạn chế, yếu kém, tháo gỡ khó khăn trong thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia
Icon Hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum trong tuần thứ nhất của kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV
Icon Đoàn ĐBQH tỉnh tham gia thảo luận ở tổ về một số cơ chế, chính sách đặc thù
Icon Quốc hội thảo luận dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở
Icon Quốc hội thảo luận dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi)
Icon Quốc hội thảo luận dự thảo Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự
Icon Đoàn ĐBQH tỉnh quan tâm một số vấn đề về kinh tế-xã hội của đất nước
Icon Quốc hội khai mạc kỳ họp thứ 6
Icon Đoàn ĐBQH tỉnh tổ chức Hội nghị lấy ý kiến tham gia các dự án luật
LienKetWS LIÊN KẾT WEBSITE