banner
Thứ 7, ngày 27/4/2024
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN - ỦY BAN NHÂN DÂN QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN.
5-5-2020
Cách mạng tháng 8/1945 thành công, Nhà nước công - nông được thiết lập, mở ra kỷ nguyên mới của Cách mạng Việt Nam. Trong muôn vàn khó khăn thách thức của chế độ mới, hàng loạt nhiệm vụ cần thiết, khẩn cấp được nhà nước đặt ra và tích cực thực hiện, trong đó có nhiệm vụ hàng đầu là củng cố, tổ chức xây dựng một nhà nước vững mạnh, thực sự nằm trong tay quần chúng công nông, làm trụ cột cho việc xác lập chế độ xã hội mới, và lãnh đạo nhân dân tổ chức kháng chiến kiến quốc bảo vệ thành quả cách mạng... Để chính quyền thực sự nằm trong tay quần chúng công nông, chính quyền ấy phải do nhân dân trực tiếp bầu ra các cơ quan đại diện, và lập ra các cơ quan quản lý hành chính từ trung ương đến cơ sở. Để tạo cơ sở pháp lý cho việc xây dựng chính quyền, ngày 17/10/1945 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký ra sắc lệnh về thể lệ cuộc Tổng tuyển cử, và ngày 23/11/1945 Chủ tịch Hồ Chí Minh lại ra tiếp Sắc lệnh số 63 về tổ chức hoạt động của cơ quan chính quyền địa phương. Sắc lệnh quy định chính quyền địa phương trong nước Việt Nam sẽ đặt hai thứ cơ quan: Hội đồng nhân dân và Ủy ban hành chính, đồng thời đặt ra những nguyên tắc cơ bản trong việc xác lập và tổ chức hoạt động của Hội đồng nhân dân (HĐND) và ủy ban hành chính, đó là nguyên tắc phổ thông đầu phiếu để bầu ra HĐND, nguyên tắc Ủy ban hành chính do HĐND bầu ra là cơ quan hành chính, vừa thay mặt cho nhân dân dịa phương vừa đại diện cho Chính phủ, nguyên tắc bình đẳng tự do và các lá phiếu có giá trị ngang nhau trong bầu cử, nguyên tắc tập trung dân chủ trong tổ chức và hoạt động. HĐND, Ủy ban hành chính cấp dưới do HĐND, Ủy ban hành chính cấp trên chuẩn y, và chịu toàn bộ trách nhiệm trước HĐND, Ủy ban hành chính cấp trên, Chính phủ, và có thể bị giải tán, hoặc cách chức, hoặc truy tố trước pháp luật nếu hoạt động trái mệnh lệnh cấp trên, trái pháp luật, nguyên tắc bỏ phiếu tín nhiệm các Ủy ban hành chính khi quá 1/3 tổng số ủy viên HĐND yêu cầu phúc quyết, nếu không còn đủ phiếu tín nhiệm sẽ phải giải tán (Điều 7; 18; 28; 48; 59 sắc lệnh 63). Sắc lệnh 63 còn quy định nhiệm kỳ của HĐND và Ủy ban hành chính là 2 năm, nhưng khóa đầu chỉ 1 năm thôi, riêng Ủy ban hành chính thời hạn là 3 năm, sắc lệnh cũng quy định cơ cấu chính quyền địa phương là 4 cấp: xã, huyện, tỉnh và kỳ, nhưng HĐND chỉ thành lập ở cấp xã và cấp tỉnh. Sắc lệch 63 đã góp phần vào việc hình thành và tổ chức hoạt động của chính quyền địa phương thời kỳ sau Cách mạng tháng 8, nội dung cơ bản của sắc lệnh được ghi nhận khái quát trong Hiến pháp 1946, ở đạo luật cơ bản này, địa vị pháp lý, chức năng, quyền hạn, trách nhiệm của HĐND và Ủy ban hành chính được khẳng định thêm một bước quan trọng, và nguyên tắc bãi miễn nhân viên HĐND, và Ủy ban hành chính được xác lập (điều 61 Hiến pháp 1946), nhờ có môi trường pháp lý thuận lợi và được nhân dân tích cực ủng hộ, HĐND và Ủy ban hành chính đã được xác lập ở các địa phương trong cả nước, và đã cùng trung ương tổ chức nhân dân kháng chiến kiến quốc thắng lợi. sau năm 1954 cách mạng nước ta chuyển sang giai đoạn mới, chính quyền địa phương phải được tiếp tục củng cố và hoàn thiện, trước tình hình thực tiễn mới của đất nước, cấp kỳ được bãi bỏ, và thiết kế thêm một cấp đặc biệt đó là khu tự trị, như vậy chính quyền địa phương theo Hiến pháp 1959 gồm tỉnh, khu tự trị, thành phố trực thuốc trung ương, huyện, thành phố, thị xã, xã, thị trấn (điều 78), khu tự trị là một đơn vị hành chính đặc thù do vậy được pháp luật quy định ở một đạo luật riêng (đơn vị hành chính này được bãi bỏ sau ngày hiệp thương thống nhất Tổ Quốc), lúc này HĐND, Ủy ban hành chính được thiết lập ở tất cả các cấp, địa vị pháp lý, chức năng nhiệm vụ quyền hạn của HĐND, Ủy ban hành chính được quy định rõ ràng hơn, cụ thể hơn, và đặc biệt là khẳng định cụ thể “HĐND là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, Ủy ban hành chính là cơ quan chấp hành của HĐND và là cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương” (điều 88 Hiến pháp 1959). Với việc xác lập ủy ban nhân dân (UBND) thay cho tên gọi Ủy ban hành chính trong Hiến pháp 1980 đã khẳng định rõ ràng, nhất quán chính quyền nhà nước là của nhân dân, việc xác lập UBND không làm mất đi chức năng quản lý hành chính nhà nước của ủy ban, mà là đánh dấu một bước phát triển mới trong quá trình xây dựng và phát triển của nhà nước ta “UBND là cơ quan chấp hành của HĐND, là cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương” (điều 121 Hiến pháp 1980). Để thực hiện các chức năng nhiệm vụ quyền hạn của mình, UBND có quyền ra quyết định, chỉ thị và kiểm tra việc thi hành những văn bản đó. Cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương là HĐND cũng được định rõ hơn, cụ thể hơn về quyền hạn, nhiệm vụ, theo đó các ban của HĐND là các cơ quan chuyên môn của HĐND được thành lập, tùy theo từng cấp mà có 3 ban hoặc 2 ban, hoặc chỉ có chủ tịch và phó chủ tịch. Nếu như các quy định pháp luật trước đây chỉ quy định chung rằng: Đại biểu HĐND chất vấn UBND và các cơ quan nhà nước khác ở địa phương, thì Hiến pháp năm 1992 quy định rõ hơn “Đại biểu HĐND có quyền chất vấn Chủ tịch HĐND, Chủ tich và các thành viên khác của UBND, Chánh án Tòa án nhân dân, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân, và thủ trưởng các cơ quan khác thuộc UBND (điều 122 Hiến pháp 1992). Trên cơ sở hiến pháp, một đạo luật về tổ chức và hoạt động của HĐND và UBND được ban hành, nhằm cụ thể hóa các quy định của hiến pháp về tổ chức và hoạt động của UBND. Hiến pháp năm 2013 đã phát triển thêm một bước trong quá trình tổ chức và hoạt động của HĐND và UBND, theo đó hiến pháp thiết kế một chương với tên gọi chính quyền địa phương, theo đó được cấu trúc phân định như sau: nước chia thành tỉnh, thành phố trực thuộc TW, tỉnh chia thành huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; thành phố trực thuộc TW chia thành quận, huyện, thị xã và đơn vị hành chính tương đương, huyện chia thành xã, thị trấn; thị xã và thành phố thuộc tỉnh chia thành phường, xã; quận chia thành phường. Đơn vị hành chính- kinh tế đặc biệt do luật định (điều 110 Hiến pháp 2013) và cấp chính quyền địa phương được cấu trúc gồm có HĐND và UBND được tổ chức phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt do luật định, quy định này nhằm làm cơ sở cho việc xây dựng chính quyền nông thôn, chính quyền đô thị, trên cơ sở đó đạo Luật tổ chức chính quyền địa phương được ban hành thay thế cho Luật tổ chức HĐND và UBND.
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN - ỦY BAN NHÂN DÂN QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN.

Trong quá trình hình thành và phát triển của HĐND, UBND mặc dù có cơ cấu tổ chức và mức độ hoàn thiện khác nhau tùy thuộc vào tình hình lịch sử cụ thể của từng giai đoạn cách mạng nhưng đặc điểm của sự hình thành và phát triển chung đó là:

- Cơ quan chính quyền địa phương (HĐND, UBND) là hệ thống bộ máy nhà nước ở địa phương, là cơ quan đại diện cho ý chí nguyện vọng của nhân dân ở địa phương, UBND luôn là cơ quan chấp hành của HĐND thực hiện chức năng quản lý hành chính nhà nước ở địa phương.

- Trình tự hình thành HĐND là do nhân dân bầu ra theo nguyên tắc bình đẳng phổ thông trực tiếp và bỏ phiếu kín, và các đại biểu có thể bị bãi miễn nếu không đủ tư cách đại biểu.

- Chức năng nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND, UBND đều được quy định trong văn bản pháp lý cao nhất đó là hiến pháp và luật.

- Tổ chức và hoạt động của HĐND, UBND theo nguyên tắc tập trung dân chủ, đây cũng là nguyên tắc hiến định./.

Tô Văn Tám  
Tin liên quan:
Icon Kỳ họp bất thường thông qua chủ trương đầu tư và an sinh xã hội
Icon Thường trực HĐND tỉnh tổ chức Hội nghị liên tịch thống nhất nội dung Kỳ họp thứ 10 HĐND tỉnh Khóa XI
Icon Ban Pháp chế giám sát tại Trại tạm giam Công an tỉnh
Icon Thường trực HĐND tỉnh tổ chức họp tổng kết chuyên mục Diễn đàn cử tri năm 2019
Icon Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Kring Ba tiếp xúc cử tri sau Kỳ họp thứ 9 HĐND tỉnh Khóa XI
Icon Kỳ họp bất thường thông qua một số nội dung quan trọng
Icon Kỳ họp thứ 9 HĐND tỉnh Khóa XI thành công tốt đẹp
Icon Khai mạc Kỳ họp thứ 9 HĐND tỉnh Khóa XI
Icon Họp báo Kỳ họp thứ 9 HĐND tỉnh Khóa XI
Icon Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Kring Ba tiếp xúc cử tri phường Duy Tân
LienKetWS LIÊN KẾT WEBSITE