banner
Thứ 3, ngày 30/4/2024
Cần có chính sách cụ thể đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông nông thôn
24-11-2023
Sáng ngày 24/11/2023, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và sự điều hành nội dung của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Quốc hội đã tiến hành thảo luận ở hội trường về dự án Luật Đường bộ. Tại phiên thảo luận này, đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum Trần Thị Thu Phước cùng 24 đại biểu Quốc hội cả nước đã phát biểu, tranh luận.
Cần có chính sách cụ thể đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông nông thôn
ĐBQH Trần Thị Thu Phước phát biểu thảo luận

Đại biểu Trần Thị Thu Phước khẳng định sự cần thiết xây dựng luật, tạo sự lành mạnh trong công tác quản lý, góp phần tạo cơ sở pháp lý đầy đủ hơn để thúc đẩy, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới, tạo bước đột phá trong việc thể chế hóa các chủ trương trong việc phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vận tải, phát triển phương tiện giao thông đường bộ, phát triển vận tải đường bộ, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước, đảm bảo giao thông thông suốt, an toàn. 

Tại báo cáo đánh giá 13 năm thực hiện Luật Giao thông đường bộ năm 2008 đã chỉ ra các tồn tại, vướng mắc, bất cập trong quá trình tổ chức thi hành luật. Trong đó có nội dung đường giao thông nông thôn, đặc biệt tại khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa còn khó khăn, chưa hoàn thành việc cứng hóa kết cấu mặt đường. Để giải quyết tồn tại trên, một trong những giải pháp quan trọng trong thời gian tới là phải tiếp tục quán triệt và thể chế hóa chỉ đạo tại Phần phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021-2025) được Đại hội XIII của Đảng thông qua. Đó là thu hút tối đa nguồn lực đầu tư ngoài nhà nước, khuyến khích thu hút đầu tư ngoài ngân sách, phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là giao thông. Tuy nhiên, qua nghiên cứu dự thảo luật, ngoài quy định tại khoản 1, Điều 5 về chính sách phát triển đối với hoạt động đường bộ với nội dung "Ưu tiên phát triển kết cấu hạ tầng đường bộ khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới hải đảo, vùng dân tộc thiểu số", Dự án luật chưa đề cập nhiều hơn về các chính sách cụ thể để hỗ trợ cải thiện đường giao thông nông thôn, đặc biệt, tại khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng còn nhiều khó khăn... Theo đại biểu Trần Thị Thu Phước, Ban soạn thảo cần nghiên cứu để đề xuất các chính sách nhằm huy động tối đa mọi nguồn lực để xây dựng hạ tầng giao thông nông thôn, nhất là các khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa. Như có chính sách ưu tiên đối với các doanh nghiệp thực hiện việc đầu tư xây dựng đối với hạ tầng giao thông tại các khu vực và việc huy động xã hội hóa để hoàn thành cứng hóa kết cấu mặt đường, v.v.. Trường hợp các quy định trong dự thảo luật đã có nội dung liên quan đến các vấn đề này, Ban soạn thảo cần có giải thích rõ hơn về tác động tích cực của các quy định đối với việc cải thiện điều kiện giao thông ở khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng dân tộc thiểu số trong quá trình thi hành luật.

Quang cảnh phiên thảo luận sáng ngày 24-11-2023

Tại khoản 2, Điều 19 về sử dụng hành lang an toàn giao thông đường bộ, có  quy định "Đất hành lang an toàn giao thông đường bộ chưa được Nhà nước thu hồi, người sử dụng đất được pháp luật thừa nhận được tiếp tục sử dụng đất theo đúng mục đích,... Nếu không khắc phục được, Nhà nước thu hồi đất và bồi thường theo quy định của pháp luật đất đai”. Theo đại biểu, quy định này rất dễ dẫn đến nhiều vấn đề phát sinh trong quá trình thi hành luật, tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Một số người sử dụng đất cố tình tạo tình huống không khắc phục được để Nhà nước sớm thu hồi và bồi thường trên khu đất họ sử dụng, ảnh hưởng đến hiệu quả công tác quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước. Do đó, trong trường hợp này, cần quy định cụ thể, chặt chẽ hơn về cơ chế kiểm soát hoạt động của người sử dụng đất trên phạm vi đất hành lang an toàn đường bộ chưa được Nhà nước thu hồi ngay từ đầu, tránh phát sinh những vấn đề phức tạp như trên.

Tại khoản 2, Điều 63 về vận tải hành khách bằng xe ô tô và khoản 2, Điều 67 về quyền và nghĩa vụ của đơn vị kinh doanh vận tải hàng hóa bằng xe ô tô đều có chung quy định về vấn đề tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho người lái xe và sử dụng người lái xe đủ sức khỏe theo quy định. Trước đây, Bộ Y tế và Bộ Giao thông vận tải đã ban hành Thông tư liên tịch số 24 quy định về tiêu chuẩn sức khỏe của người lái xe, việc khám sức khỏe định kỳ đối với người lái xe ô tô và quy định cơ sở y tế khám sức khỏe cho người lái xe. Trong đó, đã có quy định về vấn đề sử dụng các chất ma túy không đủ điều kiện để lái xe theo các hạng xe tương ứng. Tuy nhiên theo thống kê, 9 tháng đầu năm 2023, lực lượng cảnh sát giao thông toàn quốc đã kiểm tra, phát hiện, xử lý hơn 1.700 trường hợp lái xe dương tính với chất ma túy. Việc lái xe có chất ma túy trong người không những gây nguy hiểm cho tính mạng hành khách mà còn gây mất ổn định trật tự xã hội, an toàn giao thông;... Vấn đề trên có nhiều nguyên nhân, một trong những nguyên nhân chính do một số doanh nghiệp vận tải buông lỏng vấn đề này, không thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát lái xe, chưa thực hiện nghiêm túc việc khám sức khỏe định kỳ cho tài xế. Thậm chí có trường hợp ép lái xe chạy quá số giờ khiến họ quá sức và tìm đến con đường sử dụng ma túy để giảm áp lực. Do đó, đại biểu Trần Thị Thu Phước kiến nghị cần có giải pháp, chế tài để gắn chặt chẽ hơn nữa trách nhiệm của doanh nghiệp đối với lái xe của mình bị vi phạm. Đồng thời, bổ sung quy định về Bộ Công an, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Y tế phối hợp lưu trữ những thông tin, hồ sơ của những lái xe dương tính với ma túy để có thể chia sẻ với tất cả các đơn vị, chức năng, doanh nghiệp để có thể kiểm tra khi tuyển dụng./.

Hồ Nam, VPĐĐBQH TH  
Tin liên quan:
Icon Cần làm rõ cơ sở quy định mở rộng các đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc
Icon Cần tập trung thực hiện tốt công tác phòng ngừa, ngăn chặn hành vi phạm tội của các đối tượng
Icon Tăng cường thực hiện thường xuyên giám sát giải quyết kiến nghị cử tri
Icon Đoàn ĐBQH tỉnh tham dự Hội nghị triển khai thực hiện chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024
Icon Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum tiếp xúc cử tri sau kỳ họp thứ 6 - Quốc hội khóa XV
Icon Đoàn ĐBQH tỉnh thảo luận ở tổ về 02 dự án luật và 01 dự thảo nghị quyết
Icon Hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum trong tuần thứ ba của kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV
Icon Đoàn ĐBQH tỉnh thảo luận ở tổ về Dự án Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi)
Icon Đoàn ĐBQH tỉnh thảo luận ở tổ về 2 dự án luật được Quốc hội cho ý kiến lần đầu
Icon Cần có giải pháp để duy trì, phát huy giá trị văn hóa đạo đức truyền thống
LienKetWS LIÊN KẾT WEBSITE